Khi người ta trẻ, mà buồn…

 Tối nay không biết sao rảnh rỗi, ngồi giở lại tờ THỂ THAO & VĂN HOÁ tìm đúng được bài này, cảm thấy nỗi buồn sao dễ có mà lại khó mất đi. Thỉnh thoảng tôi cũng buồn nhưng…

Tuần trước, bọn trẻ sụt sùi vì chuyện anh chàng Park Yong Ha, nam diễn viên Hàn Quốc điển trai đã từng làm vô số khán giả châu Á, tất nhiên cả khán giả Việt Nam (cả mấy bà nội trợ vừa nấu cơm vừa xem phim truyền hình dài tập, không riêng bọn trẻ), tốn khá nhiều nước mắt với vai chàng Kim Sang Hyuk trong bộ phim truyền hình Bản tình ca mùa Đông bỗng dưng tự vẫn và chết tại nhà riêng ở Seoul, Hàn Quốc.

Sao Hàn tự vẫn nhẹ như không vậy đã là mấy người. Những người đẹp, trẻ, tài năng, giàu có và danh vọng… Lý do để không sống nữa của họ, ngoài một vài trường hợp do tài chính, chủ yếu do tâm lý, do buồn.

Lý do này đáng ngại lắm. Vì chẳng riêng người trẻ nước Hàn, người trẻ nước mình cũng… buồn? Tháng Sáu vừa rồi, kết quả cuộc Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY) lần thứ hai do Tổng cục Dân số và Tổng cục Thống kê, với hơn 10.000 mẫu khảo sát ở 63 tỉnh thành, tiến hành từ năm 2008, được công bố. Nhìn vào đó, người ta thấy rằng: bọn trẻ gần đây, so với cuộc điều tra SAVY lần thứ nhất cách đây 5 năm, bày tỏ sự buồn chán của mình nhiều hơn hẳn.

Mà bây giờ bọn trẻ sống đủ đầy vật chất hơn, điều đó là hẳn nhiên. Lần điều tra này, có 2% bọn trẻ cho biết gia đình mình có ô tô và 11% lướt mạng tại nhà được.

Thế nhưng các nhà xã hội học cho biết tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán đã tăng lên, từ 32% đến 73%. Kết quả cho thấy, 73,1% từng có cảm giác buồn chán; 27,6% từng “rất buồn”, thấy mình vô tích sự đến nỗi không muốn hoạt động như bình thường. Có tới 21,3% từng thất vọng hoàn toàn về tương lai và 4,1% nảy sinh ý nghĩ tự tử.

Và tệ hơn nữa, càng trẻ, cảm giác buồn chán lại càng nhiều hơn các nhóm tuổi khác. Có tới 75% người được hỏi trong độ tuổi 14 – 17 và 18 – 21 từng trải qua trạng thái đó, trong khi ở nhóm tuổi 22 – 25 là hơn 65%.

Kết quả điều tra này chắc chắn sẽ làm lo âu cả xã hội. Vật chất một khi không làm cho tinh thần tốt lên. Những ông bố bà mẹ chăm lo làm giàu nếu biết nghĩ sẽ phải có thời gian hơn để dành cho con cái, các hoạt động đoàn thể phải được chăm lo hơn… Điều này có vẻ như ai cũng biết. Nhưng làm cho trẻ hết buồn có lẽ không chỉ thế…

Câu trả lời chủ yếu dành cho người lớn. Mà người lớn thì… Một vụ như vụ ông chủ tịch tỉnh Hà Giang sẽ làm bao đứa trẻ buồn? Trong đó có con cái ông ta, những đứa trẻ chắc chắn không thiếu thốn vật chất như mấy cô học trò thầy Sầm Đức Xương. Gương xấu người lớn kể bao nhiêu cho đủ…

Nhưng thế chưa hẳn là nguyên nhân chính, vì bọn trẻ còn có những người lớn gần gũi dạy bảo khác, miễn là dạy bảo chân thành. Và không cười khi chúng gặp chuyện không may. Nói vậy là bởi một khi có một bài thi ngô nghê, báo chí đăng ngay để bêu riếu, sao không bêu riếu người dạy chúng để chúng làm bài như vậy?

Hoặc việc trẻ phải nhập viện tâm thần với tỷ lệ khá cao, việc này cũng bị một tờ báo đem ra cười cợt: Bi hài hội chứng “tâm thần phân liệt” của giới trẻ. Không hiểu sao ở đây người ta nhìn thấy khía cạnh hài, những chuyện lẽ ra nên khóc vì đau đớn, và người ta kể thành chuyện hài những ca mắc chứng tâm thần. Vô cảm thế, làm sao bọn trẻ không buồn?

Khi bọn trẻ buồn, hãy nhìn lại toàn xã hội!

Theo Remote
Thể thao Văn hóa

Tags:

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.