Cổ tích Mạnh Thương Quân

CHUYỆN ĐIỀN VĂN
Mạnh Thường Quân chính tên là Điền Văn, con Điền Anh. Tuy ít tuổi mà Điền Văn rất khôn ngoan. Thấy cha làm quan, hay vụ lợi, tích trữ của cải mà không chịu làm phúc, một hôm Điền Văn hỏi cha rằng: “Con của đứa con, gọi là gì ?”

Người cha nói: “Gọi là cháu.”
Điền Văn lại hỏi: “Con đứa cháu gọi là gì ?”
Người cha đáp: “Gọi là chắt.”
Điền Văn hỏi: “Con của đứa chắt gọi là gì ?”
Người cha đáp: “Gọi là chút.”
Điền Văn lại hỏi: “Con và cháu của đứa chút gọi là gì ?”
Người cha đáp: “Ai biết gọi là gì nữa !”

Lúc đó, Điền Văn mới nói: “Cha làm tướng của nước Tề, nay đã ba đời vua, giàu có hàng ức vạn, mà thiên hạ không thấy có một người nào là hiền tài cả. Cha quên hết cả việc công ích, của dân, của nước. Cha quên tất cả các việc phúc đức, chỉ chăm chăm góp của cải, nhằm để lại cho những người sau này không biết gọi nó là cái gì ! Con trộm nghĩ như thế, thật là quái lạ lắm”.

ISSTH Sưu tầm.

Mạnh Thường quân
(孟尝君) tên thật là Điền Văn (田文), người nước Tề, làm Tướng quốc nước Tề thời Chiến Quốc, và là một trong tứ công tử Chiến Quốc. Ông là con của Tướng Quốc Điền Anh. Ông là một người giàu có, lại có lòng nghĩa hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ, văn cũng như võ trong nhà lúc nào cũng tiếp đãi đến vài nghìn tân khách. Tiếng tốt đồn vang khắp các nước chư Hầu thời bấy giờ.

Ở Việt nam, danh từ Mạnh Thường Quân dùng để chỉ những vị giàu có, đầy lòng nghĩa hiệp, thường đóng góp nhiều cho các hoạt động từ thiện.

Quan Tướng Quốc Điền Anh dưới thời Tề Mân Vương có hơn 40 người con trai. Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, một người tiện thiếp của Điền Anh sinh một người con trai là Điền Văn, Điền Anh bảo người thiếp bỏ đi đừng nuôi. Người tiện thiếp thương con nên không nỡ bỏ, lén nuôi riêng một chỗ kín. Khi Điền Văn được 5 tuổi, người thiếp dắt Điền Văn ra mắt Điền Anh, Điền Anh nổi giận vì người thiếp trái mệnh.

Điền Văn liền dập đầu thưa rằng:- Vì cớ nào mà cha nỡ bỏ con?

Điền Anh đáp:- Người đời thường nói ngày mùng 5 tháng 5 là ngày hung, sanh con nhằm ngày ấy lớn lên nó cao bằng cái cổng, sẽ bất lợi cho cha mẹ.

Điền Văn thưa rằng: – Người ta sanh ra thọ mệnh ở Trời, lẽ nào thọ mệnh ở cái cổng. Nếu quả thọ mệnh ở cái cổng thì sao cha không xây cái cổng cho cao lên.

Điền Anh nghe con trẻ nói thế thì không biết trả lời ra sao, nhưng nghĩ rằng đứa bé nầy rất khác thường, nên bắt đầu để ý chăm nom dạy dỗ nó.

Khi được 10 tuổi thì Điền Văn đã biết tiếp tân khách. Tân khách rất thích chơi với Văn vì cậu bé rất thông minh và có nhiều tư tưởng lạ. Sứ giả các nước đến Tề đều yêu cầu tiếp xúc Điền Văn. Điền Anh cho Điền Văn là người hiền, nên rất thương yêu, lập làm đích tử, nối dòng Tiết Công, gọi là Mạnh Thường Quân.

Mạnh Thường Quân nối nghiệp cha, xây nhà quán xá lớn thêm để chứa những kẻ sĩ trong thiên hạ. Tất cả kẻ sĩ đến đều được thu dụng, không phân biệt sang hèn, giỏi dở.

Mạnh Thường Quân dẫu làm quan lớn hiển hách nhưng vẫn ăn uống giống như tân khách. Có một hôm đãi khách ăn đêm, đèn soi không rõ, có một khách ngờ rằng cơm có hai hạng bèn ném đũa xin đi. Điền Văn tự đứng dậy, đến nơi rọi đèn vào cơm để so sánh, quả nhiên cơm đều như nhau. Vị tân khách ấy than rằng:

– Mạnh Thường Quân đều đãi khách đồng một bực mà ta đem lòng ngờ vực, thật là tiểu nhân, còn mặt mũi nào nhìn ông ấy nữa.

Nói xong thì lấy dao tự đâm cổ chết, không ai ngăn kịp. Mạnh Thường Quân thương khóc thảm thiết. Các tân khách đều cảm động, theo về càng lúc càng đông.

Các nước chư Hầu nghe tiếng Mạnh Thường Quân là người hiền, có nhiều tân khách tài giỏi, nên đều tôn trọng nước Tề, không dám xâm phạm bờ cõi nước Tề.

Bấy giờ, vua nước Tần là Tần Chiêu Vương nghe tiếng Mạnh Thường Quân là người hiền, muốn triệu họ Mạnh sang Tần nhưng biết họ Mạnh đang làm Tướng Quốc nước Tề thì làm sao cầu được.

Một vị cận thần tâu:- Bệ hạ nên đem con em thân tín sang Tề làm con tin rồi dùng lễ vật mời Mạnh Thường Quân. Vua Tề tin Tần, ắt phải cho Mạnh Thường Quân đi. Bệ hạ được Mạnh rồi thì liền phong chức Tướng Quốc, hai nước Tần và Tề giao hảo, rồi cùng bàn mưu thôn tính chư Hầu, chẳng còn khó chi nữa.

Vua Tần nghe theo, cử Kinh Dương Quân qua Tề làm con tin, đổi Mạnh Thường Quân sang Tần. Các tân khách đều khuyên Mạnh Thường Quân không nên đi vì Tần là nước hổ lang trí trá, qua Tần rồi ắt Tần không cho về.

Khuông Chương bèn tâu với Tề Mân Vương: – Nước Tần đưa con tin sang mà cầu được tiếp kiến Mạnh Thường Quân là ý muốn thân thiện với Tề. Nếu Mạnh Thường Quân không đi thì mất lòng Tần, mà nếu giữ con tin của Tần thì tất không tin Tần. Chi bằng cứ lấy lễ đãi Kinh Dương Quân rồi cho trở về Tần, sau đó sai Mạnh Thường Quân đi sứ sang Tần đáp lễ. Như vậy tất vua Tần tin nghe Mạnh Thường Quân mà hậu với Tề.

Tề Mân Vương cho là phải, làm y theo kế hoạch.

Mạnh Thường Quân vâng mệnh đi sứ, đem theo hơn ngàn tân khách sang Tần. Khi đến Hàm Dương, vào yết kiến vua Tần. Vua Tần xuống tận thềm để đón Mạnh Thường Quân và kể cái lòng yêu mến bấy lâu.

Mạnh Thường Quân có cái áo hồ cừu rất quí, dùng làm lễ vật dâng lên vua Tần. Vua giao áo cho quan giữ kho cất.

Vua Tần định phong Mạnh Thường Quân làm Tể Tướng. Vu Lý Tật sợ vua dùng họ Mạnh thì mình mất quyền, bèn cùng Công Tôn Thích tâu với vua Tần:

– Mạnh Thường Quân là người nước Tề, nay làm tướng nước Tần tất hắn phải lo cho Tề trước rồi sau mới lo cho Tần. Mạnh Thường Quân là người hiền tài, chung quanh lại có nhiều bộ hạ tài giỏi, như vậy thì nguy cho Tần lắm.

Vua Tần hỏi: – Nếu vậy thì cho Mạnh Thường Quân trở về nước Tề hay sao?

Vu Lý Tật tâu: – Mạnh Thường Quân đã ở nước Tần hơn một tháng, khách theo hơn ngàn người, nên đã biết tất cả việc nhỏ việc lớn của nước Tần, nếu nay cho họ về thì ắt hại cho Tần, chi bằng nên giết đi.

Vua Tần còn đang lưỡng lự, bèn tạm cho Mạnh Thường Quân ra ở quán xá chờ đợi. Kinh Dương Quân cảm mến Mạnh Thường Quân nên lén cho hay mưu kế của Vu Lý Tật. Mạnh Thường Quân lo sợ, hỏi Kinh Dương Quân có kế chi giúp mình không. Kinh Dương Quân nói:

– Vua Tần chưa quyết định. Trong cung có nàng Yên Cơ được vua Tần rất yêu, nói gì vua cũng nghe, nếu Ngài có vật chi quí báu, tôi sẽ vì Ngài đem dâng cho Yên Cơ để cầu nàng nói giúp một lời, tất Ngài có thể thoát họa mà trở về Tề.

Mạnh Thường đem dâng đôi bạch bích. Yên Cơ nói:

– Thiếp rất thích thứ áo hồ cừu trắng của Tề, nếu cho thiếp một cái thiếp sẽ nói giúp cho, chớ cái thứ ngọc bích nầy thiếp không thích.

Mạnh Thường Quân thở dài, không biết tính sao, vì chỉ có một cái áo hồ cừu mà đã đem dâng cho vua Tần rồi. Họ Mạnh bèn hỏi ý kiến của các tân khách. Một vị nói:

– Để tôi vào cung vua, giả làm chó đến kho trộm áo hồ cừu đó đem về.

Mạnh Thường Quân túng thế cũng phải cười rồi cho đi. Vị tân khách ấy giả làm chó rất giống, đang đêm chui qua cống nhỏ, lẻn vào trong kho, rình lúc người giữ kho ngủ say, lấy chìa khóa mở cửa kho, lấy áo hồ cừu, khóa cửa lại như cũ, rồi đem áo hồ cừu trở về mà không ai hay biết.

Mạnh Thường Quân mừng rỡ, đem áo giao cho Kinh Dương Quân, dâng cho nàng Yên Cơ. Yên Cơ thỏ thẻ nói với vua Tần cho Mạnh Thường Quân trở về Tề để giữ tình giao hiếu với Tề, được vua Tần bằng lòng và cấp giấy qua các ải cho phái đoàn của Mạnh Thường Quân trở về nước Tề.

Mạnh Thường Quân nói với đám tân khách của mình:

– Ta may nhờ một lời nói của Yên Cơ mà thoát được miệng hùm, nhưng vạn nhất nửa chừng vua Tần đổi ý, có Vu Lý Tật tâu vào thì mạng bọn ta còn gì?

Trong đám tân khách có người giỏi làm giấy giả, bèn theo giấy vua Tần cấp cho Mạnh Thường Quân, làm giả một tờ giấy khác, đổi tên họ khác, rồi ngay đêm đó, cấp tốc lên đường trở về, đến ải Hàm Cốc vào lúc nửa đêm. Cửa ải đóng chặt, nếu đợi đến sáng thì e không kịp. Một tân khách giả tiếng gà gáy giống y như thật, bao nhiêu con gà khác trong ải đều gáy theo, quan giữ ải tưởng Trời gần sáng, thức dậy cho lịnh mở cửa ải, khám xét giấy tờ qua trạm rồi cho phái đoàn của Mạnh Thường Quân đi qua.

Vu Lý Tật hay tin vua Tần cho Mạnh Thường Quân trở về Tề thì lật đật vào triều tâu với vua Tần:

– Nếu Bệ hạ tha không giết họ Mạnh thì cũng giữ lại làm tin, chớ sao lại thả cho về Tề?

Vua Tần hối quá, sai quanquân đuổi gấp theo, đến Hàm Cốc quan đòi xem sổ tên các người qua lại thì không có ai tên là Điền Văn. Viên quan tự hỏi: Hay là họ Mạnh đi ngả khác?

Đợi đến nửa ngày không có tin tức gì thêm, mới hỏi quan giữ ải, rồi mô tả hình dáng của Mạnh Thường Quân và số tân khách đi theo, cùng là xe ngựa, thì quan giữ ải nói:

– Như vậy bọn ấy đã qua ải từ sáng hôm kia rồi, chúng đi nhanh lắm, có lẽ đã đi trăm dặm rồi, đuổi theo không kịp nữa.

Toán quan quân trở về tâu lại vua Tần mọi việc.

Vua Tần than rằng: – Mạnh Thường Quân có cái cơ mưu quỉ thần bất trắc, thật là một bậc hiền sĩ hiếm có trên đời.

Nói về Mạnh Thường Quân trở về Tề được bình yên, tiếng tăm lừng lẫy, tân khách đến càng đông. Số hoa lợi nơi Ấp Tiết không đủ chi dùng nuôi tân khách. Mạnh Thường Quân cho dân Ấp Tiết vay tiền để có thêm lợi tức, đến kỳ hạn thì cho người đến thâu tiền lãi. Có một tân khách tên Phùng Hoan xin đi thu các số tiền nầy. Họ Mạnh xét thấy người nầy chơn thực nên bằng lòng cho đi.

Dân Ấp Tiết nghe Mạnh Thường Quân sai Phùng Hoan đến thu nợ thì đem nộp trả khá nhiều. Phùng Hoan liền dùng số tiền nầy mua rượu thịt rồi yết thị dân chúng: Phàm nhà nào có vay tiền của Mạnh Thường Quân, trả được hay không trả được, đều phải đem giấy nợ đến xem xét, đồng thời được chiêu đãi rượu thịt vui vẻ. Trăm họ nghe cho ăn uống và không làm khó dễ người thiếu nợ nên tựu đến đầy đủ. Phùng Hoan nhơn đó dò xét, người giàu thì trả nợ không nói chi, còn người khá mà nhất thời không tiền trả được thì bắt làm tờ hẹn trả, còn người nghèo quá không thể trả nợ được thì Phùng Hoan thu hết giấy nợ đốt bỏ, xóa nợ luôn, rồi phủ dụ:

– Mạnh Thường Quân sở dĩ cho các ngươi vay tiền là sợ các ngươi không có vốn làm ăn, chớ không phải vì lợi. Nhưng Mạnh có mấy ngàn tân khách, bổng lộc không đủ chi dùng nên phải đòi số lãi để phụ vào. Nay người khá có thể trả thì có giấy hẹn trả, người quá nghèo không thể trả thì giấy nợ đã đốt rồi. Mạnh Thường làm ơn cho dân Ấp Tiết như vậy là hậu lắm.

Trăm họ đều tạ ơn và hoan hô Mạnh Thường Quân.

Phùng Hoan trở về báo cáo với Mạnh Thường Quân: – Tôi đi chuyến nầy, không những vì Ngài thu nợ mà còn vì Ngài thu đức nữa.

Mạnh Thường Quân trách rằng: – Tôi vì khách những 3000 người, bổng lộc không đủ chi dùng nên phải cho dân Ấp Tiết vay tiền lấy lãi phụ vào, tôi nghe ông đem hết tiền lãi mua rượu thịt đãi họ ăn uống và còn đem đốt bỏ một số giấy nợ nói là thu đức là nghĩa làm sao?

Phùng Hoan thưa rằng: – Người mắc nợ nhiều, nếu không bày ra ăn uống thì chúng nó không đến đủ mặt, không thể dò xét được ai cùng khổ. Kẻ có khả năng trả nợ thì bắt họ làm giấy khất nợ, còn kẻ cùng khổ thì dầu có đánh chúng cũng không có tiền để trả. Ấp Tiết là Ấp thế phong của Ngài, dân ở đấy là những người cùng chung với Ngài lúc yên nguy, nay đốt giấy nợ kia là tỏ cái đức yêu dân của Ngài, vì thế mà tôi nói thu đức cho Ngài là vậy.

Mạnh Thường Quân nghe nói vậy thì đành bỏ qua.

Lại nói Tần Chiêu Vương, sau khi để Mạnh Thường Quân trở về nước Tề thì hối hận, sợ họ Mạnh làm Tề thịnh lên, bèn dùng tiền bạc sai người qua Tề làm kế ly gián giữa vua và tôi. Tề Mân Vương lầm kế, nghi ngờ Mạnh Thường Quân, nên thâu tướng ấn và đuổi họ Mạnh về Ấp Tiết. Các tân khách cũng lần lượt bỏ đi, chỉ có Phùng Hoan là theo bên cạnh.

Khi Mạnh Thường Quân trở về Ấp Tiết, Phùng Hoan cầm cương xe, dân Ấp Tiết hay tin kéo ra đón rất đông, tranh nhau dâng cơm rượu và hỏi thăm Mạnh Thường Quân. Lúc đó, Mạnh nói với Phùng Hoan: – Thế nầy tôi mới biết Tiên sinh vì tôi mà thu đức vậy.

Phùng Hoan nói:- Nay tôi có thể giúp Ngài trở lại làm Tướng Quốc nước Tề, vua Tề càng trọng Ngài hơn, và sẽ cấp đất phong nhiều hơn. Xin Ngài cho tôi một cỗ xe và ít lộ phí để tôi sang Tần.

Mạnh Thường Quân bằng lòng và Phùng Hoan qua Tần.

Phùng Hoan xin vào yết kiến vua Tần, nói rằng: – Kẻ sĩ đến ở Tần thì muốn cho Tần mạnh và làm sao cho Tề yếu đi. Nước nào mạnh thì được thiên hạ.

Vua Tần hỏi:- Tiên sinh có kế gì làm cho Tần hùng mạnh không?

– Nước Tề lâu nay được trọng là vì có Mạnh Thường Quân là người hiền. Nay vua Tề nghe lời gièm, thu lại tướng ấn, đuổi Mạnh Thường Quân về Ấp Tiết. Nay nhân lúc Mạnh đang oán Tề, Tần bí mật rước Mạnh về Tần thì Tần trở nên mạnh mà Tề thì yếu đi. Đại vương gấp sai sứ sang Tề, ngầm đem lễ vật đến đón Mạnh Thường Quân đang ở Ấp Tiết. Cơ hội nầy chớ nên bỏ lỡ, vạn nhất vua Tề biết hối, dùng trở lại Mạnh Thường Quân thì Mạnh Thường Quân cũng đã có cái tình cảm tốt đối với Tần rồi.

Bấy giờ nước Tần, tướng Vu Lý Tật mới chết, vua Tần đang thiếu một hiền tướng, nên khi nghe Phùng Hoan nói thế thì vua Tần cả mừng, bèn sai lấy 10 cỗ xe tốt, trăm dật hoàng kim, sai sứ giả đem nghi trượng Thừa Tướng đến Ấp Tiết đón Mạnh Thường Quân về Tần.

Phùng Hoan nói: – Xin Bệ hạ cho tôi về trước báo tin, bảo Mạnh Thường Quân chuẩn bị đi ngay theo sứ.

Phùng Hoan đi luôn một mạch trở về nước Tề, vào yết kiến vua Tề là Tề Mân Vương, tâu rằng:- Hai nước Tần và Tề mạnh yếu thế nào, Bệ hạ đã biết, được người hiền thì mạnh, mất người hiền thì yếu. Nay tôi nghe vua Tần may gặp lúc Mạnh Thường bị đuổi, liền sai sứ sang đón Mạnh về Tần làm Thừa Tướng. Nếu Mạnh Thường Quân làm tướng cho Tần thì Tần sẽ rất mạnh mà Tề thì rất yếu.

Vua Tề giựt mình, hỏi rằng:- Như vậy thì biết làm sao?

Phùng Hoan đáp:- Nhân lúc sứ Tần chưa đến kịp, xin Đại vương mau triệu Mạnh Thường Quân về triều, giao lại cho tướng ấn, gia tăng bổng lộc, thì chắc Mạnh Thường Quân vui lòng nhận, chừng đó dầu sứ Tần có đến thì cũng không làm được việc gì.

Phùng Hoan tâu xong liền trở về Ấp Tiết, tỏ bày hết các việc cho Mạnh Thường Quân rõ.

Mạnh Thường Quân hoan hỷ nói:- Văn nầy đối với tân khách không dám có điều gì thất lễ, tự nhiên bị bãi chức, tân khách đều bỏ đi, nay nhờ Tiên sinh mà được phục chức, tưởng các tân khách không còn mặt mũi nào trở lại trông thấy Văn nầy nữa.

Phùng Hoan đáp:- Vinh nhục, thịnh suy là lẽ thường ở đời. Nếu giàu sang thì lắm kẻ cầu thân, mà nghèo hèn thì chẳng ai nhìn tới. Ấy là thói đời, Ngài không nên phiền muộn điều đó.

Mạnh Thường Quân nghe lời Phùng Hoan, nên khi trở lại làm Tướng Quốc nước Tề thì qui tụ tân khách trở lại, đối đãi như xưa.

Sau đó khá lâu, Mạnh Thường Quân can gián Tề Mân Vương không nên đem quân đánh nhà Chu mà mất lòng các chư Hầu, Tề Mân Vương không nghe, thu lại tướng ấn của Mạnh Thường. Họ Mạnh sợ bị vua Tề giết, liền chạy sang Đại Lương, nhờ Công tử Vô Kỵ, tức Tín Lăng Quân, giúp đỡ.

Về sau nữa, Mạnh Thường Quân trở về Ấp Tiết, vẫn cùng Tính Lăng Quân và Bình Nguyên Quân đi lại rất thân.

Tề Mân Vương mất, Tề Tuyên Vương lên nối ngôi, sai sứ đến đón Mạnh Thường Quân về triều làm Tướng Quốc, nhưng Mạnh Thường Quân xin cáo lão, ở Ấp Tiết dưỡng già và mất tại đó.

wikipedia

TRÁNH KẺ XẤU SỐ, ĐỂ KHỎI XUI LÂY!

  • Tướng quốc Điền Anh: Con khiến ta tức chết!
  • Mạnh Thường quân Điền Văn: Phụ thân tha tội.
  • Điền Anh: Haiz, lúc trước từng nghe Thương Cổ bàn luận Thương Đạo. Thương Đạo là gì? Đó là đạo chi ngộ, là đạo giao kết. Gặp được người vừa ý, giao kết người vừa ý, thì (sẽ) tiền vào như nước.
  • Điền Văn: Người vừa ý là sao?
  • Điền Anh: Là giao kết với kẻ giàu sang, mượn sức mạnh của người giàu, dựa vào thế lực của người sang, mới có thể mưu cầu (sự) giàu sang cho mình. Người giàu phải làm bạn với người giàu, như vậy mới có thể GIÀU CÓ hơn nữa.
  • Điền Văn: Theo lời phụ thân, thì một người bần hèn làm sao kinh thương?
  • Điền Anh: Cũng phải giao kết với kẻ giàu sang, thì mới có thể từ nghèo thành giàu. Nếu qua lại với người nghèo, sẽ càng lúc càng nghèo.
  • Điền Văn: Giàu không quá ba đời, người giàu cuối cùng cũng nghèo!.
  • Điền Anh: Đó chính là giao kết bất cẩn, giống như con vậy.
  • Đối đầu với người giàu, nhỏ thì trì hoãn tương lai của mình, lớn thì liên luỵ đến cả ….
  • Điền Văn: Hài nhi không hiểu?…
  • Điền Anh: Tục ngữ nói: “Chân trần không sợ mang hài“. Không có vốn nữa thì không còn sợ bị mất vốn…

Vương Triều Đại Tần Tập 31 (Trung kỳ Chiến quốc – Tần Huệ Văn Vương)

Hãy tập cách phát hiện người có duyên may để có thể chọn lựa giao du, và người bị vận rủi để mà tránh né. Đó là loại bệnh hết sức truyền nhiễm. Đừng bao giờ mở cửa cho bất hạnh, dù là bất hạnh nhỏ nhất, nếu không nhiều bất hạnh khác sẽ được nước kéo vào theo… Đừng chết vì sự khốn khổ của người khác.
(Baltasar Gracián, 1610-1658)

One Comment to “Cổ tích Mạnh Thương Quân”

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.